Tính đến ngày 28 tháng 8 năm 2024, tại thành phố Thủ Đức ghi nhận 27 trường hợp bệnh sởi tại 11 phường (Bình Chiểu, Tân Phú, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Tăng Nhơn Phú B, Phú Hữu, Long Thạnh Mỹ, Linh Xuân, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, An Phú). Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, cần biết một số nội dung như sau:
1. Bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra.
2. Các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi
Người bệnh khám khi có những biểu hiện sốt cao liên tục, ho nhiều, thở mệt, nổi ban trên người và những dấu hiệu lừ đừ, tiêu chảy nhiều, ho nhiều, chảy mủ tai….
3. Biến chứng của bệnh sởi thường gặp
- Viêm tai giữa cấp/Phế quản phế viêm: Đây là biến chứng thường gặp nhất.
- Viêm phổi nặng: Nguyên nhân thường do bội nhiễm các loại vi khuẩn khác, thời điểm xuất hiện biến chứng thường muộn sau khi phát ban hoặc có thể đồng thời trong khi phát bản. Các biểu hiện bao gồm: Sốt cao, triệu chứng nhiễm trùng nặng, khi nghe phổi thấy ran nổ, công thức máu thấy bạch cầu tăng cao, trên phim X- quang thấy hình ảnh nốt mờ rải rác ở hai trường phổi. Viêm phổi nặng là biến chứng của bệnh sởi.
- Viêm não - màng não: Là biến chứng hệ thống thần kinh trung ương, có thể gây tử vong và gây ra nhiều di chứng nặng nề sau này. Biến chứng của bệnh sởi xuất hiện vào tuần đầu khi phát ban. Các biểu hiện bao gồm: sốt cao, co giật, bí đái, đái dầm, rối loạn ý thức dẫn đế đi vào hôn mê. Điều nguy hại là khi có biến chứng viêm não thì sau khi trẻ qua được cơn nguy hiểm tính mạng, cũng để lại nhiều di chứng nặng nề về thể chất và tinh thần về sau.
- Biến chứng tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, cam tẩu mã- tình trạng bội nhiễm vi khuẩn xuất hiện muộn do một loại vi khuẩn hoại thư gây nên hoại tử niêm mạc miệng, xuất hiện tình trạng hơi thở có mùi hôi thối.., viêm ruột với biểu hiện tiêu chảy thường nặng nề hơn so với các tiêu chảy do virus khác.
- Biến chứng mắt - loét giác mạc: Có thể gặp ở trẻ em bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, biến chứng này có thể để lại di chứng mù vĩnh viễn.
- Suy dinh dưỡng hậu sởi.
- Sảy thai, sinh non khi mắc sởi ở phụ nữ đang mang thai.
Những đối tượng dễ bị biến chứng khi mắc sởi bao gồm:
- Trẻ em: Tuổi càng nhỏ thì nguy cơ mắc biến chứng càng cao.
- Trẻ có tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch.
- Thiếu vitamin A.
4. Biện pháp phòng ngừa
- Phòng bệnh duy nhất có hiệu quả hiện nay là tiêm ngừa sởi.
+ Lịch tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ
• Mũi 1: Tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (vắc xin sởi)
• Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (vắc xin sởi - rubella)
+ Tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên toàn địa bàn thành phố.
+ Tiêm vắc xin có thành phần sởi tại:
• Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố
• Trung tâm Y tế
• Trạm Y tế
• Cơ sở tiêm chủng khác
+ Liên hệ Trạm Y tế nơi trẻ đang cư trú để biết lịch tiêm phòng vắc xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
- Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Tác giả: Văn hóa - Xã hội Phường
Nguồn tin: Phòng KHCN TP. Thủ Đức