Chuyến đi về nguồn và sinh hoạt chuyên đề được thực hiện tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định rộng gần 15.000m2 tọa lạc tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre gồm 25 đảng viên và quần chúng ưu tú của chi bộ do đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Bí thư Chi bộ 4/Trưởng Khu phố 4 làm trưởng đoàn. Đoàn thực hiện dâng hương và nghe thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nữ tướng Nguyễn Thị Định, tham quan phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu để minh họa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà.
Chi bộ 4 thực hiện dâng hương tại tượng bà Nguyễn Thị Định
Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Bí thư Chi bộ 4/Trưởng Khu phố 4 làm trưởng đoàn
Chi bộ 4 nghe thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nữ tướng Nguyễn Thị Định
Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 13/2/1920 là con út trong gia đình có 10 người con ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Khi tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh. Năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1946, bà là thành viên trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí từ đó mở ra đã mở ra con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, tiền thân của những đoàn tàu không số sau này. Tên tuổi của bà gắn liền với phong trào Đồng Khởi Bến Tre, với “Đội quân tóc dài” làm cho quân thù khiếp sợ. Đến năm 1974, Cô Ba Định đã được phong hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, một nữ tướng uy nghi mà đôn hậu, oai phong mà đằm thắm chân tình. Vị nữ tướng đã từng được Bác Hồ khen ngợi: “Phó tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông, đất nước, đã có nhiều đóng góp lớn lao với Tổ quốc, với nhân dân. Bà được Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Năm 1968, bà được nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin. Ngày 30/8/1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một đời chiến đấu hy sinh, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã trở thành huyền thoại, không chỉ tiêu biểu cho phụ nữ miền Nam thành đồng đất thép Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang, bà còn là điển hình mẫu mực cho phụ nữ Việt Nam và phụ nữ tiến bộ trên toàn thế giới.
Chi bộ 4 tham quan phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu để minh họa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà Nguyễn Thị Định
Chi bộ 4 viết sổ lưu niệm tại phòng trưng bày
Chi bộ 4 chụp hình lưu niệm tại tượng bà Nguyễn Thị Định
Chuyến sinh hoạt chính trị về nguồn này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm giúp cho đảng viên, cán bộ và các quần chúng ưu tú nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, toàn diện hơn về sự nghiệp cách mạng của dân tộc, về lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua. Thông qua các hoạt động tuyên truyền và sinh hoạt chính trị tiếp tục khẳng định niềm tin sắt son của toàn thể đảng viên, cán bộ và quần chúng ưu tú đối với sự lãnh đạo của Đảng. Qua đợt sinh hoạt chính trị này, đảng viên, quần chúng ưu tú phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ và xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tham gia thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thi đua để hoàn thành tốt công tác được giao.