“Được cấp trên cho biết Bác Hồ sẽ về thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, lãnh đạo Đảng, chính quyền và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã đều lo toan chuẩn bị. Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã phân công cán bộ đến từng nhà dân ở gần trụ sở Ủy ban và gần nơi đón Bác. Những nhà gần đó đều được xã cử thanh niên đến sửa soạn lại trong nhà sao cho ngăn nắp. Có 4 gia đình ở gần hội trường nhất thì cho người mượn thêm tủ, bàn ghế sang trọng, để khi Bác đến sẽ thấy đời sống của dân ở đây khấm khá thật.
Thế là ngày hôm sau, Bác Hồ đã đến thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành. Sau khi nói chuyện xong với cán bộ và nhân dân, Bác nói cho Bác đi thăm một số gia đình. Lãnh đạo xã mời Bác đi và dẫn Bác theo con đường có mấy nhà đã chuẩn bị trước. Ra khỏi hội trường đi được khoảng mươi mét đến ngã ba đường làng, ông Chủ tịch xã chỉ mời Bác đi đường này. Nhưng Bác xoa tay nói: “Để Bác tự đi để biết đúng thực tế, có lẽ ở đó các chú đã bố trí rồi”. Thế là Bác Hồ đi theo con đường khác. Bác đi vào nhà một gia đình bình thường có ngôi nhà tranh nhỏ bé. Trong nhà chỉ có một cái sập nhỏ đựng lúa làm bàn thờ và hai cái giường gỗ nhỏ cũ kỹ. Sau khi nói chuyện và hỏi thăm bà cụ đang ngồi bồng cháu trên chiếc võng, Bác lại đi thăm một số gia đình khác”
💢 Bác Hồ cả cuộc đời vì nước vì dân, bản thân Bác cũng sinh ra từ một làng quê nghèo khó của Việt Nam, nên Bác rất thấu hiểu cuộc sống của người dân.
💢 Bài học kinh nghiệm rút ra: Không nắm sự thật, đặc biệt là sự thật của quần chúng, không nắm đúng bản chất sự việc thì không thể có nhận thức đúng, cách làm đúng; nói cách khác, không thể phát triển. Che giấu sự thật, đánh giá sai sự thật là nguồn gốc của những sai lầm trong đời sống cũng như trong công tác.
Tác giả: Văn phòng UBND phường Linh Trung